Cô giáo đánh gãy ngón tay học sinh lớp 1 bị kỷ luật cảnh cáo
Cô giáo trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi bị xử lý cảnh cáo do có hành vi đánh gãy ngón tay một học sinh lớp 1, và sẽ tiếp tục được phép giảng dạy bình thường.
Sáng ngày 18/10, bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà, Hiệu trưởng của trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi thuộc quận Tân Bình, cho biết hành vi của cô giáo gây thương tích cho học sinh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng xét thấy đây là vi phạm lần đầu nên hội đồng kỷ luật trường quyết định thống nhất kỷ luật cảnh cáo.
Thời gian bị kỷ luật sẽ là 12 tháng. Tuy nhiên, trong thời gian này, cô giáo vẫn được tham gia giảng dạy bình thường.
Trước đó, chị Hà là phụ huynh của học sinh lớp 1 của trường phản ánh về việc con của mình bị giáo viên chủ nhiệm đánh gãy đốt ngón tay giữa của bàn tay phải.
Theo lời người mẹ này chia sẻ, vào chiều ngày 4/10, sau khi tan học, con của chị nói bị đau và nhức tay và phải vì bị cô chủ nhiệm dùng cây gõ nhạc cụ đánh. Ngày hôm sau, chị Hà đưa con đi khám và nhận được kết quả như trên.
“Quy Định Pháp Luật – Hành Vi Đánh Học Sinh” Đọc thêm TẠI ĐÂY
Ngày 5/10, cô Sáng ngay lập tức đã bị đình chỉ việc giảng dạy, em học sinh này được chuyển lớp theo nguyện vọng. Bà Trà-Hiệu trưởng trường học đánh giá hành vi của cô giáo đánh gãy ngón tay học sinh là tai nạn nghề nghiệp không thể lường trước được và không xác nhận được là giáo viên có cố ý đánh học sinh hay không.
Tuy nhiên hành vi trên đã được thực hiện trên lớp, trước mặt các bạn học sinh khác nên ít nhiều đã gây ra ảnh hưởng về mặt tâm lý cho các em, theo đó nhà trường nên đưa ra một biện pháp xử lý phù hợp để các em học sinh có thể tiếp tục việc học và rèn luyện bình thường.
Nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt cảnh cáo với cô giáo là hợp lý, do Hiệu trưởng không thể nắm được chính xác nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng dẫn đến việc cô giáo đánh gãy ngón tay học sinh. Tuy nhiên, việc cô giáo nêu trên được phép tiếp tục giảng dạy trong trường lại là một điều gây chú ý.
Bởi lẽ, việc giáo viên giảng dạy tiếp tục sẽ gây ra tâm lý hoang mang, sợ sệt cho học sinh, gây ảnh hưởng đến việc học tập và rèn luyện của các bé, đặc biệt là với những bé tuổi còn nhỏ, nền tảng tâm lý còn yếu và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng giáo viên nêu trên nên bị điều chuyển sang bộ phận khác hoặc thực hiện việc giảng dạy tại trường khác. Vừa không khiến cô giáo bị mất việc làm – kế sinh nhai, vừa giúp học sinh của trường có thể yên tâm học tập, rèn luyện.