Nội Dung Bài Viết
Chế Độ Báo Cáo Khi Kinh Doanh Rượu
Để đảm bảo công tác quản lý sau cấp phép, Nhà nước đặt ra chế độ báo cáo khi kinh doanh rượu. Đây là một trong những phương án đặt ra nhằm giúp hoạt động kinh doanh rượu được phát triển theo đúng định hướng, đồng thời thực hiện mục tiêu hạn chế tác hại của rượu bia đối với cộng đồng. Ở bài viết dưới đây, Apexlaw Việt Nam sẽ hướng dẫn Quý khách hàng về Chế độ báo cáo khi kinh doanh rượu.
1. Hoạt động kinh doanh rượu được hiểu như thế nào?
Hoạt động kinh doanh rượu được hiểu bao gồm: Hoạt động sản xuất rượu, nhập khẩu rượu, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ
Hoạt động kinh doanh rượu không bao gồm các hoạt động sau:
- Xuất khẩu sản phẩm rượu;
- Tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập sản phẩm rượu;
- Chuyển khẩu, quá cảnh sản phẩm rượu;
- Nhập khẩu để kinh doanh sản phẩm rượu tại cửa hàng miễn thuế;
- Nhập khẩu sản phẩm rượu từ nước ngoài vào khu vực phi thuế quan;
- Mua bán sản phẩm rượu giữa các khu phi thuế quan với nhau;
- Kinh doanh sản phẩm rượu tại các khu phi thuế quan;
- Gửi kho ngoại quan;
- Nhập khẩu sản phẩm rượu là hành lý, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu trong định mức miễn thuế/xét miễn thuế/ không chịu thuế.
2. Đối tượng phải thực hiện chế độ báo cáo khi kinh doanh rượu.
- Thương nhân sản xuất sản phẩm rượu (thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, thương nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh);
- Thương nhân nhập khẩu sản phẩm rượu;
- Thương nhân phân phối sản phẩm rượu;
- Thương nhân bán buôn sản phẩm rượu;
- Thương nhân bán lẻ sản phẩm rượu;
- Thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
3. Chế độ báo cáo khi kinh doanh rượu.
3.1. Đối với thương nhân kinh doanh rượu
Áp dụng với rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên
Thời hạn nộp báo cáo: trước ngày 20/1 hàng năm.
Mẫu báo cáo: Mẫu số 08, Mẫu số 09 Mục II tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP.
Thương nhân kinh doanh rượu gửi báo cáo theo mẫu trước khi hết thời hạn nộp báo cáo bên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
=>Xem thêm: Thủ tục Xin Giấy phép Phân phối rượu Mới nhất – Tại đây
3.2. Đối với ủy ban nhân dân cấp xã
Thời hạn nộp báo cáo: trước ngày 30/1 hàng năm.
Mẫu báo cáo: Mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại trên địa bàn về Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng.
3.3. Đối với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
Áp dụng với rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên
Thời hạn nộp báo cáo: trước ngày 15/2 hàng năm.
Mẫu báo cáo: Mẫu số 11 Mục II tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP.
Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, sản xuất rượu thủ công để bán cho các cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, tình hình bán lẻ rượu năm trước trên địa bàn về Sở Công Thương.
3.4. Đối với Sở Công thương
Áp dụng với rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên
Thời hạn nộp báo cáo: trước ngày 28/2 hàng năm.
Mẫu báo cáo: Mẫu số 12 Mục II tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP.
Sở Công Thương có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình sản xuất rượu, tình hình phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu năm trước trên địa bàn về Bộ Công Thương.
4. Biện pháp xử lý vi phạm liên quan đến chế độ báo cáo khi kinh doanh rượu .
Trường hợp không báo cáo hoặc báo cáo không đúng tình hình hoạt động kinh doanh rượu (đối với trường hợp phải báo cáo), thương nhân có thể bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Như vậy, có thể thấy không chỉ thương nhân hoạt động kinh doanh rượu mà ngay cả cơ quan nhà nước cũng có những yêu cầu nghiêm ngặt về chế độ báo cáo hàng năm. Với những thông tin trên, hy vọng Quý khách hàng đã nắm được cơ bản những yêu cầu về chế độ báo cáo khi kinh doanh rượu để có thể thực hiện theo đúng quy định pháp luật.