Nội Dung Bài Viết
Thủ Tục Xin Giấy Phép Cho Thuê Lại Lao Động
Tình hình dân số ngày càng gia tăng, khiến cho nhu cầu việc làm và quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động ngày càng phức tạp. Phát sinh thêm các mối quan hệ mới, trong đó có quan hệ cho thuê lại lao động. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động và người sử dụng lao động, Nhà nước đã đưa ra các quy định để quản lý mối quan hệ này. Hãy cùng Apexlaw Việt Nam tìm hiểu về “Thủ tục xin giấy phép cho thuê lại lao động” theo pháp luật hiện hành.
1. Hoạt động cho thuê lại lao động là gì?
Hoạt động của doanh nghiệp cho thuê lại lao động được hiểu như sau: Doanh nghiệp được phép cho thuê lại lao động sẽ tuyển dụng và giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Sau đó, sẽ chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự quản lý của người sử dụng lao động khác. Tuy nhiên quan hệ lao động đã ký kết vẫn sẽ được giữ nguyên và duy trì.
Đây là hoạt động có điều kiện, vì vậy, khi doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực này cần phải xin Giấy phép cho thuê lại lao động.
2. Chủ thể thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động.
Pháp luật quy định chủ thể thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải là Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Khi thành lập Quý khách hàng cần lưu ý phải đăng ký ngành nghề hoạt động dịch vụ việc làm, cung ứng lao động.
Quý Khách hàng có thể tham khảo mã ngành 7810, 7820, 7830.
3. Điều kiện để doanh nghiệp xin cấp giấy phép cho thuê lại lao động.
3.1. Điều kiện về người đứng đầu (Người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp)
- Là người quản lý doanh nghiệp: được hiểu là người quản lý công ty bao gồm các chức danh sau: Chủ tịch công ty, Chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, Giám đốc/ Tổng giám đốc và các cá nhân khác giữ các chức vụ quản lý khác được ghi nhận tại điều lệ của công ty.
- Không vướng án tích.
- Có kinh nghiệm trực tiếp về chuyên môn hoặc quản lý về hoạt động cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động trong thời gian nhất định, cụ thể: từ đủ 03 năm (tương ứng với 36 tháng) trở lên trong thời gian 05 năm liền kề ngay trước thời điểm xin đề nghị cấp phép.
Phân biệt Giấy phép Việc làm với Giấy phép Cho thuê lại lao động: Chi tiết Tại đây
3.2. Ký quỹ
- Số tiền ký quỹ: 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng).
- Việc ký quỹ được thực hiện tại ngân hàng nhận ký quỹ được phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
- Tiền ký quỹ được sử dụng vào các mục đích sau: xử lý các khoản tiền lương, các loại bảo hiểm và chế độ khác theo thỏa thuận với người lao động; bồi thường cho người lao động trong trường hợp vi phạm thỏa thuận hoặc gây thiệt hại cho người lao động do việc không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
4. Danh mục hồ sơ hoàn thiện để xin cấp giấy phép cho thuê lại lao động
STT | Tiêu đề hồ sơ | Số lượng |
1. | Hồ sơ của người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp
Lưu ý: Phiếu lý lịch phải còn thời hạn trong 06 tháng tính từ ngày nộp hồ sơ. Các văn bản nước ngoài thì phải công chứng, dịch thuật và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.
Ví dụ: Hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc hoặc các văn bản có giá trị tương đương khác (bản sao chứng thực) | 02 |
2. | Giấy chứng nhận tiền ký quỹ (theo mẫu) | 02 |
3. | Văn bản giới thiệu để thay mặt công ty thực hiện thủ tục | 02 |
4. | Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (có ghi nhận ngành nghề liên quan) | 02 |
5. | Hợp đồng thuê địa điểm/ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của địa điểm hoạt động | 02 |
5. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cho thuê lại lao động
Thẩm quyền cấp giấy phép cho thuê lại lao động thuộc về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
6. Hình thức giấy phép cho thuê lại lao động
Bìa cứng, khổ A4
Mặt trước: nền trắng, hoa văn xanh da trời, in chìm hình quốc huy, khung viền ngoài màu đen.
Mặt sau: in quốc huy, quốc hiệu và dòng chữ “GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG” in trên nền màu xanh da trời.
Về cơ bản, giấy phép cho thuê lại lao động sẽ bao gồm các nội dung sau:
- Mã số giấy phép
- Ngày cấp
- Tên doanh nghiệp
- Mã số doanh nghiệp
- Địa chỉ trụ sở chính
- Địa chỉ/ Email/ Fax
- Thông tin người đại diện pháp luật
- Thời hạn có hiệu lực của giấy phép
- Người có thẩm quyền cấp giấy phép ký, đóng dấu
7. Thời hạn của giấy phép cho thuê lại lao động
Giấy phép cho thuê lại lao động có thời hạn 60 tháng
Doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép nhiều lần, tuy nhiên mỗi lần chỉ được gia hạn tối đa 60 tháng
Nếu thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép thì thời hạn của giấy phép được cấp lại sẽ bằng thời hạn còn lại của giấy phép trước đó.
8. Các câu hỏi thường gặp
Câu 1: Các trường hợp nào công ty không được cấp giấy phép cho thuê lại lao động?
Trả lời
- Không đảm bảo các điều kiện để được cấp phép như luật quy định.
- Sử dụng giấy phép giả để thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động.
- Người đại diện theo pháp luật từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép cho thuê lại lao động trong các trường hợp sau:
- Cho doanh nghiệp khác sử dụng giấy phép đã được cấp
- Cho thuê lại lao động thực hiện các công việc không thuộc danh mục được cho phép
- Có hành vi giả mạo hồ sơ để được cấp giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép hoặc sử dụng giấy phép giả.
Câu 2: Công ty tôi cần thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép vào thời điểm nào?
Trả lời
Quý khách hàng cần lưu ý thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép cho thuê lại lao động trước khi hết hiệu lực của giấy phép tối thiểu là 60 ngày làm việc. Thời điểm thực hiện thủ tục được tính tại thời điểm hồ sơ được gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Câu 3: Công ty tôi đã được cấp giấy phép cho thuê lại lao động, tuy nhiên công ty tôi có sự thay đổi về người đại diện theo pháp luật thì có được tiếp tục sử dụng giấy phép đã được cấp không?
Trả lời
Khi có sự thay đổi về người đại diện theo pháp luật, công ty không phải thực hiện xin cấp mới giấy phép. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động cấp lại giấy phép và đảm bảm đủ các điều kiện theo pháp luật quy định.
Ngoài trường hợp trên, các trường hợp khác phải thực hiện cấp lại giấy phép như sau:
- Giấy phép bị mất
- Giấy phép bị rách nát, hư hỏng không còn thấy được đủ thông tin trên giấy phép
- Thay đổi: tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính
Câu 4: Công ty chúng tôi quên gia hạn giấy phép nên giấy phép đã hết hiệu lực. Hiện chúng tôi đang làm thủ tục để xin lại giấy phép. Vậy trong thời gian đợi giấy phép mới, nếu chúng tôi tiếp tục sử dụng giấy phép đã hết hạn thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Khi giấy phép cho thuê lại lao động hết thời hạn, nếu doanh nghiệp vẫn sử dụng giấy phép đó có thể bị xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng (theo điểm b khoản 5 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ – CP). Ngoài ra doanh nghiệp sẽ phải chịu hình phạt bổ sung là buộc nộp lại số lợi bất chính do hoạt động vi phạm gây ra.
Cho thuê lại lao động là quan hệ lao động khá phức tạp, vì vậy việc đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ là điều cần thiết. Người lao động nên nắm được các quyền lợi hợp pháp của mình để lựa chọn một doanh nghiệp cho thuê lại lao động uy tín.
Còn các doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động thì cần lưu ý các điều kiện hoạt động để có thể đáp ứng các yêu cầu, điều kiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu còn vướng mắc gì liên quan đến bài viết “Thủ tục xin giấy phép cho thuê lại lao động” hãy liên hệ với chúng tôi.